MỘT NGHỊ LỰC SỐNG PHI THƯỜNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG
MỘT NGHỊ LỰC SỐNG PHI THƯỜNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG
-----
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm, ở đâu cũng có: Ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Đối với các dân tộc phương Đông thì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Sau đây tôi xin điển hình tấm gương, một người con của đất Phú Lâm, trong chiến tranh Chú là “Bộ đội cụ Hồ”, chiến tranh kết thúc, trở lại quê nhà, mang trên người chằn chịt những vết thương do bơm đạn gây ra, mặc dù thương tích hoành hành dai dẫn, những chú lại phải tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh đấu tranh với cơm, áo, gạo, tiền. Đó là chú Nguyễn Văn Ní (Ba Ní), sinh năm 1963. Hiện là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Phú Thuận B, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Năm 1982 chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài, Chú đã tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của quê hương. Tạm biệt cha mẹ già, vợ dại và hai con thơ, tháng 9 năm 1982 Chú lên đường nhập ngũ ở chiến trường Tây Nam (Campuchia). Trong 2 năm nhập ngũ, trãi qua nhiều cuộc hành quân gian khổ, bao phen sống chết với kẻ thù, chú không sợ sệt, vẫn kiên cường tham gia cuộc chiến. Cho đến trận chiến cuối cùng ở Thum Cườm, huyện SIPHOL chú đã bị thương, vì thương tích trên người quá nặng, khi được đồng đội phát hiện Chú gần như kiệt sức, không còn khả năng chiến đấu. Phải đưa về Trung tâm An dưỡng Long Xuyên chăm sóc suốt một năm dài với 13 vết thương được may vá chằng chịt khắp
bụng. Đến tháng 10 năm 1985, chú được đưa về địa phương, đoàn tựu với gia đình. Chính vì sự trung can, nghĩa đảm đó, chú xứng danh là Bộ đội cụ Hồ. Được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương và bằng khen cao quý như: Huân chương chiến sĩ vẽ vang hạng ba và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Khi hoàn thành nhiệm vụ của người công dân đối với đất nước, trở về với cuộc sống đời thường chú đã là một thương binh hạng 2/4, mất sức lao động 72%. Mặc dù được hưởng trợ cấp của nhà nước hàng tháng nhưng hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, không đất sản xuất, không nghề cố định, lúc này Chú phải lo cho một vợ năm con, vết thương cũ thì cứ đau nhứt, cuộc sống gần như bế tắc. Trong lúc khó khăn nhất Chú đã nhớ đến lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Từ đó, bằng nghị lực và quyết tâm cao, Chú đã không ngừng vươn lên rèn luyện sức khỏe, nung nấu ý chí phải làm cho cuộc sống gia đình phát triển đi lên. Sức sống trổi dậy, chú bắt đầu lao vào làm việc: lúc làm bóc vác, lúc gặt lúa thuê, làm cỏ thuê, có thời gian dài Chú rời quê lên Sài Gòn để đạp xích lô kiếm sống, một mình sống xa quê, do vợ con ở nhà nheo nhóc, không nở, Chú đành trở lại quê nhà tiếp tục cuộc mưu sinh, Cái nắng, cái mưa và những cơn đau cũng phải cúi đầu khuất phục trước ý chí kiên cường của Chú.
Đến năm 2010 địa phương xét thấy hoàn cảnh gia đình Chú thật sự quá khó khăn, riêng Chú là một Thương binh và cũng là một công dân ưu tú biết chịu thương, chịu khó, nên đã giới thiệu Chú tham gia Ban chấp hành của Hội Cựu chiến binh và được tập thể Chi hội bầu chú làm Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Phú Thuận B, đồng thời được Ban xóa đói giảm nghèo xã Phú Lâm xét cho chú thuộc diện hộ nghèo để có thể chăm lo thêm một phần cho cuộc sống của gia đình chú.
Cảm động trước sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và hàng xóm láng giềng. Chú luôn giáo dục gia đình phải sống thật tốt, chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, phải cần cù, chăm chỉ lao động sao cho đúng với câu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. chú luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hội, Ngoài giờ làm việc thì Chú đi thu mua phế liệu, mua bán bao cũ.... Trải qua bao cơn lốc của cuộc đời cuối cùng cuộc sống gia đình Chú đã ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, các con dù không được học đến nơi đến chốn, nhưng mỗi người đều tìm được một công việc ổn định, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Giờ đây việc nhà đã ổn, chú càng tích cực hơn trong công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thường xuyên tham gia tuyên truyền, giáo dục Hội viên tự giác trao dồi, rèn luyện bản chất truyền thống Bộ Đội Cụ Hồ; vận động thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự; kịp thời giúp đỡ Hội viên khi gặp khó khăn…Nên nhiều năm liền nhận được giấy khen đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác Hội.
Năm 2013, mặc dù tuổi tác đã cao nhưng vẫn hăng hái tham gia hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chú đã vượt qua nhiều thí sinh trẻ tuổi và đạt được giải khuyến khích cùng với phần quà dành cho thí sinh cao tuổi nhất hội thi.
Ngoài vai trò là Chi hội Trưởng Hội CCB ấp, chú còn là Tổ phó tổ tự quản. Chú luôn chủ động trong công tác vận động bà con nhân dân hưởng ứng các phong trào, mục tiêu mà Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đề ra theo tiêu chí Nông thôn mới. Hình ảnh chú đi đến từng nhà nhắc nhở các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường, treo cờ Tổ quốc trong các ngày lễ lớn, vận động mọi người đóng góp vào quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, đăng ký thu gom rác, tham gia BHYT,... đã trở nên rất quen thuộc với người dân trong ấp. Điều đó có sức ảnh hưởng rất lớn trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của xã nhà.
Đó là một phần nào trong số tất cả những gì chú đã học tập được ở Bác và vận dụng vào cuộc sống thực tế của mình trong suốt thời gian qua.
Câu chuyện của chú Nguyễn Văn Ní thật sự rất đổi đời thường nhưng đã đọng lại trong lòng chúng ta rất nhiều suy nghĩ, từ đâu, động lực nào mà một thương binh mất sức lao động hết 72%, chú vẫn làm và cứ làm nhiều việc đến như thế, phải chăng chú muốn khẳng định với mọi người rằng bản thân mình “Tàn nhưng không phế”. Thực ra đó là bản chất của người Bộ đội Cụ Hồ, trong thời chiến thì sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình thì tích cực lao động, sản xuất, vượt lên số phận, thoát cảnh đói nghèo và hơn thế nữa, chú còn tận dụng vốn sức khỏe còn lại để cống hiến cho địa phương mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao của một Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp và Tổ phó tổ tự quản. Chú chính là tấm gương để mỗi người cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân suy ngẫm, phải sống sao cho xứng đáng với xương máu của các thế hệ đi trước đã đổ xuống, phấn đấu thực hiện tốt hơn trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí,…chống thứ “giặc nội xâm” để tiếp tục củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Nếu chúng ta không thể trở thành mặt trời như Bác nhưng mỗi chúng ta có thể là một tia nắng trong muôn vàn tia nắng cũng đủ góp phần làm ấm áp cho cuộc sống này. Đây cũng chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả chúng ta.
Người viết
Lê Thị Thanh Loan