Skip to main content

DI TÍCH LỊCH SỬ THÁNH THẤT CAO ĐÀI PHÚ LÂM 49 NĂM ĐỔI MỚI

     Thánh Thất Phú Lâm thuộc hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre tọa lạc tại Làng Phú Lâm, tổng An lạc, Quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Nay thuộc ấp Phú Hòa B, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

     Năm 1928 ở Làng Phú Lâm, Họ đạo Cao Đài Phú Lâm được thành lập, Ngôi nhà tu (sau này là Thánh Thất Phú Lâm) được dựng lên bằng cây gỗ tạp, cột tròn, máy lợp lá, nền đất do Ông Đinh Văn Hằng cùng tín đồ địa phương cất trên phần đất ven bờ sông Cái Vừng, cạnh mương Thầy Sáu Non, cách vị trí hiện tại khoảng 100 mét. Lúc đầu Nhà tu vừa là nơi thờ tự, vừa là cơ sở truyền dạy nghề dệt truyền thống cho tín đồ trong Họ đạo, tinh thần mộ đạo của nhân dân địa phương ngày càng cao, tín đồ nhập môn ngày càng rộng đến các Làng bên như: Long Sơn, Long Thuận, số tín đồ ước lượng khoảng hơn 1.000 vị.

     Trong thời gian đất nước bị thực dân Pháp cai trị, Thánh Thất Phú Lâm được xây dựng và trở thành cái nôi Cách mạng. Cán bộ, đảng viên và các Lực lượng Cách mạng về đây xây dựng nhiều phong trào cứu nước được tín đồ Họ đạo hưởng ứng tham gia vào các tổ chức hoạt động giành độc lập. Các chức sắc, chức việc, tín đồ của Họ đạo đã trở thành đảng viên, du kích, giao liên làm nồng cốt trong các phong trào tuyên truyền vận động. Năm 1930, tín đồ Cao Đài tham gia vào các phong trào yêu nước như: Hội Ái Hữu, Hội Tương tế do đồng chí Năm Quế Xứ quỹ Nam Kỳ lãnh đạo. Sau cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 nhiều tín đồ đạo thoát ly tham gia kháng chiến, số còn lại bám lấy Thánh Thất để tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật hoạt động bảo vệ cán bộ, nuôi chứa các con em Liệt sĩ, con cán bộ thoát ly tù đài. Chiều dài hai cuộc kháng chiến nhiều gian nan thử thách, nhiều tín đồ Họ đạo đã hy sinh xương máu góp phần vào sự nghiệp thiêng liêng giải phóng dân tộc giành độc lập thống nhất đất nước đã làm ngời sáng lịch sử Tôn giáo đạo Cao Đài Ban Chỉnh đạo. Các tấm gương kiên trì đạo pháp ngoan cường đấu tranh như: Chánh Hội Trưởng Đinh Văn Hằng - Bí thư liên xã Phú Lâm - Phú Long từ năm 1945-1961 đã hy sinh tại xã An Phong, Thanh Bình, Đồng Tháp, Từ hàn Nguyễn Văn Phán - Bí thư chi bộ xã Phú Lâm hy sinh năm 1963 tại xã Long Sơn, huyện Phú Tân, cùng nhiều tín đồ tiếp tục hy sinh như Đinh Văn Bỗng, Đinh Văn Bé, Đinh Văn Triết, Đinh Văn Nhựt, Đinh Văn Nhuần, Phan Kiết Khánh ….còn rất nhiều anh Hùng Liệt sĩ đã hy sinh. Với số tín đồ khoảng hơn 1.000 vị Họ đạo đã có hơn 100 gia đình là cơ sở Cách mạng, một Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phan Thị Yết,  62 Huân Huy chương nhà nước trao tặng, sổ vàng ghi công cùng những chứng nhân lịch sử xác nhận.

     Bề dày cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, nhiều đảng viên hoạt động bí mật của Chi bộ Phú Lâm đã sử dụng khuôn viên Thánh Thất Phú Lâm bố trí nhiều hầm bí mật, công sự để bám trụ hoạt động. Quá khứ đấu tranh kiên cường đau thương nhiều mất mát, khi chức sắc, chức việc, các tín đồ thân yêu lần lượt nối tiếp nhau  hy sinh nằm xuống, tù đài tra tấn dã man là những thành tích đáng trân trọng ghi ơn xứng đáng với biệt danh “Xóm Hà Nội” - ngụy quyền Sài Gòn lo sợ đặt cho Thánh Thất Phú Lâm biệt danh này.

     Cuộc chiến tranh đã đi qua, đất nước đổi mới, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Thánh Thất Phú Lâm cũng được UBND tỉnh An Giang ghi nhận thành tích và công  nhận “Di tích Lịch sử Cách mạng Thánh Thất Phú Lâm” thuộc Cao Đài ban Chỉnh đạo Bến Tre theo Quyết định số 395/QĐ-UBND, ngày 03/3/2010. 

     Từ khi thành lập Thánh Thất đến nay đã qua 94 năm, từ ngôi nhà tu bằng gỗ tạp tre lá đơn sơ, Thánh Thất Phú Lâm đã qua nhiều lần sửa chữa, vào năm 1947 do giáo sư Thái Sử Thanh, giáo sư Ngọc Đức Thanh, giáo sư Thượng Kiều Thanh và bà con tín đồ họ đạo xây dựng Chánh điện và Thiên Phong đường. Năm 2004 Lễ sanh Thái Dễ Thanh được phép xây dựng lại các hạng mục trên do công trình củ đã xuống cấp với tổng kinh phí hơn 936.600.000 đồng, trong đó UBND tỉnh An Giang cấp trên 100.000.000 đồng, phần còn lại do các mạnh thường quân và tín đồ đóng góp. Năm 2014, Lễ sanh Thái Ân Thanh tiếp tục xin phép xây dựng cổng rào với tổng kinh phí 205.000.000 đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 20.000.000 đồng, phần còn lại do tín đồ đóng góp.

     Ngoài ra, Họ đạo Phú Lâm còn tuyên truyền Chủ trương của đảng, Chính sách pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, cảnh giác những luận điệu xuyên tạc phá hoại của các thế lực thù địch, sống tốt đời đẹp đạo … tích cực thực hiện mục đích chơn truyền  của Đại đạo phục vụ công ích xã hội, thi hành lý tưởng thương yêu, tương trợ, cứu khó, trợ nghèo như tổ chức phát quà cho trẻ em nghèo nhân dịp Trung Thu, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc, gạo cho hộ nghèo của địa phương với tổng kinh phí khoảng 48.585.000 đồng do các tín đồ hỗ trợ.

     Ông Đinh Hồng Ân – Quyền đầu Họ đạo Thánh Thất Cao Đài Phú Lâm cho biết thêm: “Trãi qua 47 năm đổi mới, Thánh thất ngày nay đã kiên cố, vững chắc, khang trang hơn, lòng bà con tín đồ trong Họ đạo rất đỗi vui mừng. Và vui mừng hơn nữa là họ đạo chúng tôi được cùng Đảng, Nhà nước đón chào kỷ niệm 49 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/2024 này. Hưởng ứng không khí vui tươi của ngày lễ, Họ đạo sẽ luôn tiếp nối truyền thống yêu nước của ông cha, đồng thời gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này. Chúng tôi sẽ luôn chấp hành tốt theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền công dân, tham gia tích cực các phong trào địa phương, đóng góp một phần nhỏ nhoi vào phát triển kinh tế, xã hội xã Phú Lâm và luôn nguyện sống tốt cho đời, đẹp cho đạo để con cháu tín đồ mai sau luôn luôn được tự hào.” 

     Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm các tín đồ Thánh Thất Phú Lâm anh dũng kiên cường trong chiến đấu, sau khi hòa bình thống nhất đất nước các tín đồ tiếp tục cần cù trong lao động sản xuất cùng với chính quyền địa phương đưa xã Phú Lâm phát triển trên nhiều lĩnh vực, các tín đồ đã đoàn kết chung tay kẻ góp công người góp sức từng bước xây dựng Thánh Thất Phú Lâm ngày khang trang xứng đáng với truyền thống là cái noi Cách mạng./. 

 Minh Trang (Phú Lâm)